Tại các địa phương ở Đồng Nai, cơn sốt mua bán đất rẫy, đất sào đã dần “nguội lạnh”, người bán nhiều hơn người mua. Thời gian qua, người mua đất rẫy, đất sào chủ yếu để “lướt sóng” và giá bị đẩy lên cao ngất ngưởng nên khi thị trường hạ nhiệt, nhiều người đối mặt với thua lỗ.
Qua tìm hiểu ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh hơn 3 năm qua, giá đất rẫy đầu năm 2022 đã tăng gấp 3-5 lần so với cuối năm 2018. Đơn cử, tại nhiều khu vực thuộc các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú và Định Quán giá đất từ vài trăm triệu đồng/sào (1 ngàn m2) đã lên 500-900 triệu đồng/sào, cá biệt ở những khu vực đường lớn giá lên 1-2 tỷ đồng/sào.
* Khó tìm người mua
Từ năm 2019 đến nay, tại các địa phương trong tỉnh, có hàng ngàn thửa đất đã bị tách nhỏ thành 1-2 sào để chuyển nhượng. Người đứng tên mới trong các thửa đất trên đa số đến từ các tỉnh, thành khác như: TP.HCM, Bình Dương… và chủ yếu mua đầu tư, đợi giá tiếp tục tăng sẽ bán lại để kiếm lời.
Cơn “sốt” đất rẫy, đất phân sào không chỉ xảy ra ở Đồng Nai mà trải dài từ Nam ra Bắc, dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản này quá nhiều, gây bất ổn cho nhiều địa phương. Do đó, các tỉnh, thành đã đưa ra một số giải pháp siết chặt quản lý đất đai nhằm hạn chế tình trạng “sốt” đất.
Dân số của Đồng Nai hiện trên 3,2 triệu người, tập trung tại các đô thị, gần khu công nghiệp nên nhu cầu về nhà ở trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng, đất đai trong các đô thị sẽ khó có thể giảm vì cung vẫn chưa theo kịp cầu. Đây sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp trong đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đô thị và nhà đầu tư thứ cấp. |
Về phía các ngân hàng cũng rà soát, hạn chế cho khách hàng vay đầu tư bất động sản mang tính rủi ro cao. Dòng vốn bị khống chế, người mua đất rẫy, đất sào giảm mạnh, trong khi nguồn cung khá lớn vì nhiều người sau một thời gian “ôm” đất, đến thời điểm thanh toán ngân hàng buộc phải bán ra để thu hồi vốn. Cung vượt cầu, nhiều người đang mang nợ vì trót đầu tư đất lúc giá cao và hiện rất khó tìm được người mua.
Bà N.T.Q., một “cò đất” ở TT.Long Giao (H.Cẩm Mỹ), chia sẻ: “Hiện nay, có nhiều khách hàng gửi bán đất rẫy nhưng rất khó tìm người mua, vì đầu tư không còn lời như trước. Trong đó có khách hàng cần tiền nên chấp nhận hạ giá thửa đất từ 10-20% so với cuối năm 2021”.
Tuy nhiên, giá đất các huyện, thành phố trong tỉnh vẫn rất cao, từ 5-20 tỷ đồng/ha tùy theo từng vị trí. Với giá đất trên, người có nhu cầu để sản xuất thì không đủ điều kiện mua, giới đầu tư thì rút dần vì vốn vay không còn dồi dào và giá đã bị đẩy lên quá cao, tỷ lệ rủi ro rất lớn.
* Nhu cầu đất ở đô thị vẫn lớn
Từ đầu năm đến nay, các sàn giao dịch bất động sản ở các huyện, thành phố không còn nhộn nhịp như trước và đã chuyển hướng sang bất động sản ở khu đô thị, vì nhu cầu mua đất, nhà ở để sử dụng tại những khu vực này vẫn còn khá lớn. Do đó, giá căn hộ, đất ở trong đô thị như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… liên tục tăng trong 4-5 năm qua.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh nhà Đồng Nai Đàm Thế Dân cho biết: “Công ty đang triển khai dự án khu dân cư P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) với diện tích hơn 30ha và chia thành 2 giai đoạn để thực hiện với tổng vốn khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng. Dự án xây dựng nhà ở liên kế, biệt thự, sản phẩm hoàn thành đưa ra thị trường đến đâu được khách hàng mua hết đến đó và nhu cầu còn rất lớn”.
Các khu đô thị lớn, khu đông dân cư ở Đồng Nai nhu cầu về đất nền, nhà ở giá trung bình, giá rẻ khá nhiều, trong khi nguồn cung cho 2 phân khúc này rất ít. Đất nền, nhà ở dự án trong các khu dân luôn được săn đón và còn dư địa khá lớn cho nhà đầu tư. Vì thế, các khu dân cư, khu đô thị tại TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom mở bán vẫn được chào đón.
Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam Nguyễn Quốc Bảo nhận xét: “Nguồn cung căn hộ giá rẻ và trung bình khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương còn rất nhiều và giá vẫn có xu hướng tăng nhẹ. Doanh nghiệp đầu tư vào những dự án phân khúc trên sẽ dễ dàng tìm khách hàng. Hiện nay, giao thông kết nối giữa TP.HCM và Đồng Nai khá tốt nên nhiều người dân TP.HCM sẽ chọn mua nhà tại các đô thị của Đồng Nai”.
Ông Trần Trọng Trung (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho hay: “Trước đây, tôi cũng từng “lướt sóng” đất rẫy vào thời điểm cơn “sốt” đất bắt đầu. Đến đầu năm 2021, thấy giá lên cao, tôi đã bán hết và rút vốn để đầu tư vào lĩnh vực khác; tuy lời ít nhưng chắc chắn hơn”. |
Hương Giang