Đề xuất xử phạt hành vi thao túng giá nhà đất

"Hôm qua có một doanh nhân bị bắt vì thao túng chứng khoán. Câu hỏi đặt ra là vậy liệu các hành vi lũng đoạn thị trường nhà đất trong thời gian qua có bị xử lý như hoạt động thao túng thị trường chứng khoán hay không?", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đặt vấn đề tại buổi tọa đàm về vai trò của môi giới bất động sản ngày 30/3.

Ông Đính phân tích, trong năm 2020-2021, kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch nhưng thị trường bất động sản lại xảy ra sốt giá khắp nơi. Đầu năm 2022, giá đất đai ở nhiều địa phương lại tiếp tục "nhảy múa" do có sự tiếp tay của môi giới không chuyên nghiệp lẫn chuyên nghiệp. Những cơn sốt giá không phục vụ sự phát triển kinh tế địa phương, ngược lại để lại nhiều hệ lụy khó lường, khiến thị trường bất động sản phát triển không lành mạnh.

Nhiều môi giới tham gia tiếp tay tạo nên những cơn sốt đất, khiến giá nhà đất tăng vọt, đưa đất đai thành hàng hóa đầu cơ chứ không phải mục đích phục vụ kinh tế cho địa phương đó.

Chuyên gia này kêu gọi các nhà làm luật nghiên cứu để có phương án hạn chế hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản. Theo ông Đính, các nhà làm luật cần rà soát liệu pháp luật liên quan đến bất động sản có quy định nào về vi phạm thao túng giá đất đai.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc khối Kinh doanh tiếp thị Công ty cổ phần đầu tư Nam Long là người từng làm việc trong cả môi trường chứng khoán lẫn bất động sản. Ông nhận thấy môi giới hai ngành nghề này có sự khác biệt lớn. Môi giới chứng khoán chỉ phục vụ một nhóm đối tượng nhà đầu tư am hiểu về thị trường cổ phiếu và đầu tư tài chính. Trong khi đó, môi giới bất động sản lại phục vụ đại đa số người dân vì mua một căn nhà, gầy dựng nơi an cư là mong ước chung của tất cả mọi người.

Theo ông Quang, thị trường chứng khoán chỉ phục vụ một nhóm nhà đầu tư có kiến thức chuyên môn nhưng lại có nhiều quy định, tiêu chuẩn cho các hành vi sai phạm khi môi giới chứng khoán. Trung bình mỗi công ty chứng khoán có 4-5 bộ phận nghiệp vụ và từng bộ phận đều có sự chuyên môn hóa rất cao.

Tuy nhiên, môi giới bất động sản phục vụ một cộng đồng lớn hơn, nhưng các chuẩn mực, chế tài chưa tương xứng. Một công ty môi giới bất động sản nhỏ lẻ được lập ra trong 7 ngày, lực lượng nhân sự chỉ một vài người, lại có thể làm tất cả các nghiệp vụ liên quan. Từ thực tế lỏng lẻo này, ông Quang kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước nên nhanh chóng ban hành các quy chuẩn, điều kiện yêu cầu đối với những cá nhân và công ty môi giới bất động sản.

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ước tính hiện nay có khoảng 300.000 người tham gia hành nghề môi giới địa ốc, thực tế có thể nhiều hơn do hàng năm cả nước có trên 100.000 giao dịch diễn ra. Những con số này cho thấy lực lượng môi giới là cầu nối quan trọng.

Nghề môi giới đòi hỏi nghiệp vụ cao, không phải ai cũng tham gia được. Nhiều năm qua lực lượng môi giới phát triển chuyên môn, kỹ năng, đạo đức hành nghề tốt. Tuy nhiên, ông Lâm thừa nhận, thị trường còn những đơn vị môi giới quy mô nhỏ chưa đảm bảo chuyên môn, chỉ có chiến lược ngắn hạn và chỉ nhìn cái lợi trước mắt.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng đồng tình các đề xuất cần đặt ra quy chuẩn cho nghề môi giới địa ốc để chấn chỉnh thị trường. Ông Khởi cũng nhìn nhận các chuyên gia có cơ sở khi đặt vấn đề chưa có hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản nào bị bắt như thao túng chứng khoán.

Theo ông Khởi, tình trạng lực lượng môi giới tiếp tay thao túng giá đất thời gian qua khiến nhà làm luật cần đánh giá lại việc học, cấp chứng chỉ hành nghề, tăng cường quản lý và số hóa nghề môi giới bất động sản cho phù hợp với giai đoạn mới.

Ở thị trường chứng khoán, môi giới phải hoạt động tại các công ty chứng khoán chứ không hành nghề tự do (riêng lẻ) bên ngoài, đồng thời phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí nghiệp vụ. Vì vậy, việc có nên bắt buộc bán bất động sản qua sàn không hay quy định môi giới phải vào doanh nghiệp để hành nghề, sẽ được lấy ý kiến và thảo luận thêm trong thời gian tới.

Ông Khởi giải thích, để chấn chỉnh các hoạt động môi giới bất động sản, cần rà soát xem vai trò của pháp luật đã quy định đủ chưa. Hội môi giới Bất động sản và thậm chí các chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm quản lý, phát triển đội ngũ môi giới làm việc tại công ty mình ngày càng chuyên nghiệp.

Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản giải thích, trước mắt, đầu năm 2022 có hai nghị định mới là Nghị định 02 quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh Bất động sản và Nghị định 16 quy định xử phạt hành chính môi giới địa ốc, đều ban hành tháng 1. Trong đó, Nghị định 16 có nhiều biện pháp chấn chỉnh hoạt động của môi giới bất động sản bằng nhiều mức phạt tiền vài chục đến hàng trăm triệu đồng đến rút giấy phép hành nghề, đình chỉ sàn giao dịch.

"Nghị định được ban hành không vì mục đích phạt vi phạm để thu tiền mà hướng môi giới bất động sản hành nghề có trách nhiệm với cộng đồng nhiều hơn", ông Khởi nói.

Vũ Lê

Nguồn: vnexpress.net
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng tuần tới có thể tăng
Nhật Bản - Việt Nam ký thỏa thuận ODA gần 11.000 tỷ đồng
TP.HCM cấp sổ hồng cho hơn 10.000 căn officetel, shophouse trong quý III/2023
Đồng Nai chấp thuận đầu tư Dự án khu đô thị mới
Mới cập nhật
Sân bay Long Thành cần 14.000 lao động khi vận hành
NÓNG: Loạt “ông lớn” bất động sản sẽ họp cùng Thủ tướng Chính phủ vào ngày mai (14/3)
Chọn môi giới bất động sản tốt như thế nào

Bán được giá tốt,

Cho thuê nhanh chóng!

Hàng ngàn người đã bán và cho thuê trên Nhà Đất Online 360

Bán và cho thuê với Nhà Đất Online 360