Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 4 ngàn tỷ đồng đầu tư 2 tuyến giao thông nối sân bay Long Thành

UBND tỉnh đã kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành xem xét chấp thuận hỗ trợ cho Đồng Nai hơn 4 ngàn tỷ đồng để đầu tư 2 tuyến đường kết nối vào cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.

Đường tỉnh 770B khi hoàn thành xây dựng sẽ cùng với tuyến quốc lộ 20 đóng vai trò kết nối các địa phương khu vực phía Đông Bắc với các khu vực khác của tỉnh. Ảnh: P.TÙNG

Đường tỉnh 770B khi hoàn thành xây dựng sẽ cùng với tuyến quốc lộ 20 đóng vai trò kết nối các địa phương khu vực phía Đông Bắc với các khu vực khác của tỉnh. Ảnh: P.TÙNG

* Kết nối 5 địa phương với sân bay Long Thành

Trong báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành ngày 25-8, Đồng Nai đã kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành xem xét chấp thuận hỗ trợ cho tỉnh số tiền 4.136 tỷ đồng để đầu tư 2 tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành gồm: dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 và dự án Đường tỉnh 770B.

Theo UBND tỉnh, đường tỉnh 773 có chiều dài hơn 51km. Đây là tuyến đi song song, chia sẻ lưu lượng cho tuyến quốc lộ 1. Đường tỉnh 773 là trục giao thông quan trọng kết nối các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh với sân bay Long Thành. Tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Cẩm Mỹ - Xuân Lộc. Theo quy hoạch, đường tỉnh 773 có quy mô từ 6-8 làn xe cơ giới và 2-4 làn xe thô sơ, lộ giới từ 60-121,5m.

Theo UBND tỉnh, 2 dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 và đường tỉnh 770B có tổng vốn đầu tư gần 12,5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 có tổng mức đầu tư hơn 5,5 ngàn tỷ đồng (chi phí bồi thường khoảng 2,3 ngàn tỷ đồng); dự án Đường tỉnh 770B (từ đường tỉnh 763, H.Định Quán đến quốc lộ 51, H.Long Thành) có tổng mức đầu tư khoảng 12,5 ngàn tỷ đồng (chi phí bồi thường hơn 7,5 ngàn tỷ đồng).

Trong khi đó, đường tỉnh 770B là tuyến đường mở mới có chiều dài khoảng 53km, được quy hoạch với quy mô 8 làn xe, lộ giới 60m. Đường tỉnh 770B là tuyến mang tính chiến lược hình thành trục giao thông quan trọng kết nối địa bàn các huyện: Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh đến khu vực sân bay Long Thành. Đồng thời, kết nối các Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn và Bàu Cạn - Tân Hiệp đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Từ đó, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về đề xuất đầu tư, trước đó Sở GT-VT cũng đã trình UBND tỉnh phương án đầu tư đối với 2 tuyến đường này trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, theo Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn, đối với tuyến đường tỉnh 770B, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng ban đầu với quy mô 4 làn xe. Trong khi đó, tuyến đường tỉnh sẽ được phân chia thành 3 đoạn để thực hiện đầu tư gồm: đoạn 1 dài 27,3km, từ quốc lộ 1 đến quốc lộ 56, đầu tư mở mới 4 làn xe; đoạn 2 dài 13,6km, từ quốc lộ 56 đến đường vành đai 4, đầu tư mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe và đoạn 3 (đi trùng đường vành đai 4 đến giao với đường tỉnh 769), dài 10,5km, đầu tư mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe.

* Hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối

Theo quy hoạch, khi hoàn thành xây dựng, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước; trong đó, dự kiến cuối năm 2025, giai đoan 1 của dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Chính vì vậy, Đồng Nai cũng xác định lấy sân bay Long Thành làm trung tâm để xây dựng hệ thống giao thông kết nối các địa phương với sân bay. Từ đó, có thể lan tỏa được động lực phát triển của dự án để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Đồng thời, khi có được hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, bài bản cũng sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế của sân bay Long Thành.

“Cứ đi ra là kẹt xe, đi vào là kẹt xe thì khó có thể phát huy hết lợi thế của sân bay” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Xuất phát từ thực tế đó, ngoài 2 tuyến đường tỉnh 773 và 770B, Đồng Nai cũng đã quy hoạch nhiều dự án giao thông khác để kết nối với sân bay Long Thành như: nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769; đường tỉnh 772; đường tỉnh 769E…

Ông Nguyễn Bôn cho rằng, các dự án giao thông kết nối với sân bay Long Thành được đề xuất dựa trên nhu cầu hình thành các trục giao thông động lực phát triển cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương còn khó khăn như: Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ, Thống Nhất. Trong đó, đối với các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh hiện hữu sẽ hướng đến 2 mục tiêu: kết nối với sân bay Long Thành và phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của địa phương. Bởi, hầu hết các tuyến đường tỉnh hiện hữu đều có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đối với các tuyến đường mở mới, mục tiêu ưu tiên là kết nối các địa phương lân cận với sân bay Long Thành cũng như các khu công nghiệp sẽ được xây dựng mới trong thời gian tới.

Để có nguồn vốn đầu tư, hầu hết các dự án đều sẽ thực hiện quy hoạch, khai thác quỹ đất lợi thế hai bên các tuyến đường để tạo vốn.   

Phạm Tùng

Có thể bạn quan tâm
Sân bay Long Thành cần 14.000 lao động khi vận hành
Bình Dương lên kế hoạch xây đường sắt nối Vũng Tàu
TP.Biên Hòa quy hoạch đất xây dựng đô thị 20 ngàn ha
Mới cập nhật
Sân bay Long Thành cần 14.000 lao động khi vận hành
NÓNG: Loạt “ông lớn” bất động sản sẽ họp cùng Thủ tướng Chính phủ vào ngày mai (14/3)
Chọn môi giới bất động sản tốt như thế nào

Bán được giá tốt,

Cho thuê nhanh chóng!

Hàng ngàn người đã bán và cho thuê trên Nhà Đất Online 360

Bán và cho thuê với Nhà Đất Online 360