Như một vòng quay, một số nhà đầu tư kiếm tiền được từ chứng khoán lại đổ về bất động sản, đặc biệt là dịp cuối năm. Theo chuyên gia, kênh bất động sản được coi đó như một kênh gửi gắm tiền an toàn và lâu dài.
Thị trường chứng khoán cuối năm 2021 đã tăng lên đến mức đỉnh kỷ lục. Vì thế, năm 2022, việc giữ ổn định được mức tăng trong giai đoạn cuối năm 2021 vẫn là thách thức. Một khi thị trường chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư có thể mất cả gốc lẫn lãi. Trong khi đó, bất động sản lại là kênh trú ẩn tương đối an toàn, thị trường có khủng hoảng thì tài sản vẫn còn đó bởi xét về dài hạn bất động sản chưa bao giờ giảm giá.
Thực tế cho thấy, xu hướng nhà đầu tư chốt lãi từ chứng khoán sang bất động sản ngày càng tăng lên. Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Quang Hòa (Hà Nội) - một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán, cho biết anh vừa quyết định rút bớt nguồn tiền từ kênh này mua một mảnh đất nền ở ngoại thành với ý định cất giữ tài sản, chờ cơ hội tăng giá.
"Dịch bệnh ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh khiến doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ nên đầu tư chứng khoán dự báo sẽ có nhiều rủi ro trong thời gian ngắn. Vì vậy, tôi chỉ để dành lại một phần vào những cổ phiếu ở vùng an toàn, còn lại rút toàn bộ phần lãi bỏ vào bất động sản” anh Hòa chia sẻ.
Cùng suy nghĩ như anh Hòa, chị Trần Ngọc Lan (Nam Từ Liêm) cho biết dù giá đất đang có xu hướng tăng nhưng chị vẫn dành vốn để mua một căn shophouse ở ngoại thành Hà Nội với nhiều ưu đãi ngay trong đợt dịch. Về lâu dài, chị tin rằng khi kinh tế hồi phục thì nhà đất luôn tạo ra nguồn thu ổn định.
Theo chị Lan, chứng khoán là kênh đầu tư không dễ nắm bắt quy luật trong khi bất động sản mang đến cảm giác chắc chắn hơn khi là một tài sản "nhìn và chạm được".
"Chính vì vậy, tôi đã quyết định rút phần lớn tiền từ chứng khoán để đổ vào bất động sản", chị Lan cho biết.
Theo các chuyên gia bất động sản, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm. Lẽ ra khi nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm nhưng thực tế tổng tiền vào thị trường có nhu cầu đầu tư bất động sản lại mạnh lên.
"Nguyên nhân bởi một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác như chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu đang đổ mạnh vào bất động sản. Nguồn tiền thực tế vào thị trường rất lớn, nguồn hàng lại khan hiếm là nguyên nhân chính đẩy giá bất động sản tăng mạnh" - chuyên gia bất động sản Vũ Hoàng Anh nhấn mạnh.
Giám đốc R&D DKRA Vietnam Nguyễn Hoàng cũng nhận định, thường thời điểm trước và sau Tết, hoạt động giao dịch bất động sản rất tích cực, sôi động. Lượng giao dịch mà DKRA Vietnam thống kê được qua các sàn luôn cao hơn so với các quý khác.
Ông Hoàng cũng đánh giá, sẽ khó có việc "sốt đất" bởi vì nhà đầu tư hiện nay đang thận trọng hơn trong việc quan sát thị trường. Hơn nữa, thị trường thứ cấp, tức thị trường mua đi bán lại, cũng kém sôi động hơn trong năm 2021.
Thông thường thị trường thứ cấp phải sôi động thì mới tác động đến thị trường sơ cấp là những người mua ban đầu. Bên cạnh đó, chính sách của nhà nước về việc kiểm soát dòng vốn cho vay bất động sản cũng hạn chế dòng tiền đổ vào thị trường.
Theo số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong 11 tháng đầu năm 2021, bất động sản đứng thứ 3 trong danh sách các ngành thu hút vốn FDI với 2,41 tỉ USD. Theo đó, Việt Nam vẫn được đánh giá có vị thế tốt để thu hút vốn FDI vào ngành hàng bất động sản.