Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản vào thời điểm này là thực sự cần thiết, bởi chỉ có “đặc biệt” thì mới giải quyết được những vấn đề “đặc biệt” của thị trường bất động sản hiện nay.
Ông đánh giá thế nào về Quyết định 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhằm rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp?
Các chuyên gia và các thành viên thị trường đều rất tán thành và ủng hộ quyết định này. Quyết định đó cho thấy, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến từ thị trường và thực sự có động thái giải quyết các khó khăn cho thị trường.
Hoạt động kinh doanh bất động sản vài tháng qua bộc lộ những dấu hiệu bất ổn, từ khan hiếm nguồn cung, thiếu vốn, đến lãi suất tăng và niềm tin sụt giảm sau các sự cố trên thị trường trái phiếu. Bất động sản là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi liên quan đến ít nhất gần 40 ngành nghề khác nhau, trong đó có các ngành nghề quan trọng như xây dựng, vật liệu, sản xuất công nghiệp…Vì thế, khi thị trường bất động sản “hắt hơi” và “xổ mũi”, thì nền kinh tế sẽ bị tác động.
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lo ngại về tình trạng thanh khoản thị trường suy yếu, hàng tồn kho gia tăng, nguy cơ nợ xấu có thể xảy ra khi chính sách vĩ mô chưa cụ thể hơn để gỡ khó cho các doanh nghiệp. Việc lập tổ công tác “đặc biệt” của Chính phủ cho thấy động thái quyết liệt, thể hiện việc luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong bất kỳ thời điểm khó khăn nào, từ đó tạo được tâm lý tốt cho thị trường và gia tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.
Cá nhân ông mong đợi sự “đặc biệt” này đến đâu?
Tôi thấy sự “đặc biệt” này thể hiện ở nội hàm văn bản quy định về nhiệm vụ của Tổ công tác là bằng mọi cách và mọi nguồn lực sẵn có để tháo gỡ khó khăn ngay cho thị trường. Mặc dù có một số khó khăn mang tính điểm nghẽn đặc biệt, chỉ có thể khắc phục bằng việc sửa đổi, bổ sung một số luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (đang được Quốc hội xem xét và cần thời gian để hoàn thiện), nhưng hiện tại, cần một cơ chế “đặc biệt” hơn để gỡ khó ngay.
Chẳng hạn như việc xem xét quy trình xử lý điểm nghẽn ở các dự án có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ hoặc các hỗ trợ tài chính cho chủ đầu tư dự án…
Thưa ông, khó khăn hiện nay khác hẳn so với thời điểm đại dịch Covid-19?
Sự khác biệt lớn nhất là bối cảnh thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, dù các chỉ tiêu vĩ mô như GDP, lạm phát của Việt Nam vẫn tương đối tốt, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn tích cực, nhưng thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu chưa thực sự tích cực.
Báo cáo của VARS cho thấy bức tranh ảm đạm của thị trường đất nền miền Bắc khi sự quan tâm thể hiện qua lượt tìm kiếm nhà đất của người tiêu dùng trong quý III/2022 giảm so với quý trước, với mức giảm ở nhiều địa phương lên tới 40-50% so với vài quý trước. Lượng giao dịch của thị trường và tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước và giảm mạnh so với giai đoạn đầu năm.
Lãi suất gia tăng, room tín dụng suy giảm, sự cố của các vụ phát hành trái phiếu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong cân đối nguồn vốn khi không thực hiện được các vụ phát hành mới để đảo vốn. Trong khi đó, nhà đầu tư và người dân lại e dè trong việc ra quyết định mua nhà (dù nhu cầu vẫn rất lớn) khiến đầu ra bị ảnh hưởng.
Khi đầu ra bị ảnh hưởng, thì doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp nguy cơ gia tăng tồn kho, các khoản vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án trở thành nợ xấu… Ảnh hưởng sẽ dần lan rộng ra nền kinh tế khi hệ thống ngân hàng phải thực hiện các biện pháp mạnh để phòng chống tình trạng này.